Thủy sản và rau quả là 2 ngành hàng có mức độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhiều năm qua và đang hướng đến kim ngạch 10 tỉ USD trong năm nay.
Dù gặp rào cản tại nhiều thị trường nhưng xuất khẩu nông sản năm 2017 vẫn đạt mức kỷ lục, kim ngạch hơn 36 tỉ USD, tăng hơn 13% so với năm 2016; nhiều ngành đạt tăng trưởng cao như rau quả, thủy sản.
Nhiều thị trường đạt 1 tỉ USD
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2017, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang 167 trường, đạt kim ngạch 8,3 tỉ USD, tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm trước. Có 4 thị trường lớn đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD là châu Âu (EU), Mỹ, Nhật, Trung Quốc (lần đầu tiên). Từ khi được hưởng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – Hàn Quốc, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này tăng mạnh với hơn 27% (riêng tôm tăng đến 36%) so với năm 2016, đạt kim ngạch hơn 784 triệu USD. Với đã tăng trưởng này, năm 2018, dự báo thị trường Hàn Quốc sẽ chạm mốc 1 tỉ USD, lọt vào nhóm thị trường tỉ USD của thủy sản Việt Nam. Mục tiêu của ngành thủy sản là năm 2020 sẽ chạm mốc 10 tỉ USD xuất khẩu.
Trái vú sữa Việt Nam đã được thị trường Mỹ đón nhận tốt hơn dự kiến
Theo VASEP, tôm là sản phẩm chủ lực của thủy sản Việt Nam, chiếm tỉ trọng đến 46% (tương đương 3,8 tỉ USD). Riêng tôm chân trắng ngày càng thể hiện thế mạnh với giá trị xuất khẩu 2,5 tỉ USD, trong đó mặt hàng chế biến giá trị gia tăng chiếm gần 50%. Hàm lượng gia tăng giá trị từ nguyên liệu đến sản phẩm không chỉ đánh dấu khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) Việt Nam trên phạm vi toàn cầu mà còn giải quyết được bài toán lợi ích các bên trong chuỗi cung cấp, giá bán cuối cùng cao giúp DN mua nguyên liệu giá cao cho nông dân. Đây là cơ sở để tiếp tục tái đầu tư, hoàn thiện công nghệ và phát triển mặt hàng mới. Năm 2017, xuất khẩu tôm sang thị trường EU tăng trưởng đến 45% (tương đương 867 triệu USD) nhờ đối thủ chính là Ấn Độ gặp vấn đề về kháng sinh, có nguy cơ bị EU cấm nhập khẩu.
Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng), dự kiến giữa năm 2018, FTA Việt Nam – EU có hiệu lực sẽ gia tăng lợi thế cho thủy sản Việt Nam.
Về thị trường xuất khẩu cá tra năm 2018, bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn, “đại gia” trong ngành – nhận định hết sức lạc quan. Theo bà Khanh, ngành cá tra sau 20 năm phát triển, nay từ người nuôi đến DN đều quan tâm đến quản trị rủi ro, không còn mạo hiểm đầu tư khi giá cá lên như trước. Năm 2018, nguyên liệu cá tra tiếp tục thiếu, giá cá cao là cơ hội đẩy giá xuất khẩu cũng như chất lượng để xây dựng chuỗi giá trị, thương hiệu. Năm 2017, giá bán cá tra phi lê ở mức trên 3 USD/kg và còn có khả năng tăng tiếp vào năm 2018, dự kiến kim ngạch xuất khẩu cá tra sẽ đạt từ 1,8 tỉ USD (như năm 2017) trở lên.
Về thị trường Trung Quốc, theo bà Lệ Khanh, nếu xuất chính ngạch, nhà nhập khẩu nước này rất quan tâm đến chất lượng từ khâu nguyên liệu, kiểm tra kỹ màu sắc, mùi vị. “Tại Trung Quốc, hệ thống chuỗi nhà hàng phát triển rất mạnh và cá tra được tiếp nhận rất tốt ở đây. Tôi tham quan một hệ thống nhà hàng chuyên cá tra, chỉ một năm họ phát triển đến 800 tiệm, rất ấn tượng. Đừng nghĩ DN Trung Quốc không quan tâm chất lượng vì còn phải bảo vệ thương hiệu của họ. DN Việt Nam cũng phải chủ động kiểm soát chất lượng, đối tác không yêu cầu cũng phải kiểm soát vì sức khỏe người tiêu dùng. Phải làm cho họ tin hàng Việt Nam tốt, khi ấy giá cả chỉ là yếu tố phụ” – bà Lệ Khanh nhấn mạnh.
Chinh phục nhiều thị trường khó tính
Liên tục những năm qua, xuất khẩu rau quả đều tăng trưởng ngoạn mục, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt 3,5 tỉ USD, từ 800 triệu USD năm 2012. Nhìn vào con số tăng trưởng hằng năm đều trên 30%, nhiều lo ngại về sự phát triển “bong bóng” nhưng người trong ngành có cơ sở để tin rằng năm 2018, ngành rau quả lại lập kỳ tích mới.
Cuối năm 2017, sau 10 năm đàm phán với Mỹ, Việt Nam mới xuất khẩu được lô vú sữa đầu tiên với sản lượng khiêm tốn, chỉ 2 tấn. Ngay khi được Mỹ cấp phép nhập khẩu, rất nhiều ý kiến lo ngại vú sữa cũng sẽ thất bại như vải thiều. Thế nhưng, đến cuối tháng 1-2018, tổng lượng vú sữa xuất khẩu sang Mỹ đã đạt khoảng 200 tấn.
Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), nhìn nhận không ai có thể nghĩ trái vú sữa lại được thị trường Mỹ đón nhận tốt như vậy. Trên thị trường Mỹ, chỉ có vú sữa Việt Nam nên không phải cạnh tranh, dù vận chuyển qua đường hàng không do khó bảo quản, chi phí cao nhưng DN vẫn bán được giá tốt. Hiện Công ty Chánh Thu đang chuẩn bị các bước cần thiết để chuẩn bị xuất khẩu lô xoài đầu tiên sang Mỹ ngay sau Tết nguyên đán.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T (TP HCM), cho biết doanh số xuất khẩu ngành hàng trái cây năm 2017 đạt 22 triệu USD, tăng hơn 4 lần so với năm 2016. Ông Tùng nhận định năm 2018, tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường khó tính sẽ tiếp tục cao, đặc biệt là Mỹ.
Bên cạnh đó, việc xuất khẩu thành công trái dừa tươi sang Mỹ từ tháng 7-2017 (mặt hàng không phải đàm phán mở cửa) góp phần tăng doanh số xuất khẩu. Chỉ riêng công ty của ông, mỗi tuần suất đến 100.000 quả dừa tươi sang Mỹ. Ngoài ra, các thị trường khó tính khác như Canada, Đức, Úc… cũng có nhu cầu cao về trái cây nhiệt đới của Việt Nam.
Theo Ngọc Ánh
Người lao động
Bạn đang xem chuyên mục Tai Chinh ở QOV.VN